3 tháng đầu năm không có nguồn cung mới căn hộ hạng C, cơ hội nào cho người Sài Gòn mua nhà trong tương lai?
- 08/04/2019
- căn hộ hạng sang quận 01, tin tức, tin tức bất động sản
- 732
Theo CEO DKRA, muốn mua nhà giá “mềm”, người dân tại TP HCM không còn cách nào khác là phải chấp nhận đi xa. Nếu không có chính sách tài trợ lãi suất vay mua nhà, không có chương trình đảm bảo thì với lãi suất khoảng 12%/năm, thu nhập trung bình 15 triệu đồng/tháng, người dân cũng khó mua được nhà.
Báo cáo Thị trường bất động sản (BĐS) nhà ở TP HCM quý I/2019 mà CTCP DKRA công bố cho biết, quý đầu năm 2019 có 8 dự án bán ra thị trường, trong đó có 5 dự án mới và 3 giai đoạn tiếp theo của dự án trước đó. Tổng nguồn cung mới quý này khoảng 2.700 căn hộ, bằng 25% so với quý trước (10.608 căn), bằng 26% cùng kỳ năm trước (10.529 căn).
Trong khi đó, lượng tiêu thụ đạt khoảng 2.326 căn, bằng 86% nguồn cung mới, bằng 29% so với quý trước (8.046 căn) và bằng 26% so với cùng kỳ năm trước (8.946 căn).
Nguồn: DKRA
Ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc Nghiên cứu thị trường DKRA thông tin, trong tổng số nguồn cung mới từ 8 dự án nói trên, có 55% là căn hộ hạng B (giá bán từ 24 – hơn 30 triệu đồng.m2), còn hạng A chiếm 25% và hạng sang chiếm 20%. Như vậy, trong nguồn cung mới không hề xuất hiện dòng sản phẩm căn hộ hạng C. Nguồn cung nhà ở phân khúc hạng C tiếp tục duy trì tình trạng khan hiếm.
Xét theo khu vực, khu Đông TP HCM đang có nguồn cung dẫn đầu trong quý I/2019, chiếm đến 56% tổng cung, tiếp sau là khu Nam 25% và khu trung tâm 19%.
“Xu hướng khu Đông chiếm tỷ lệ lớn nguồn cung nhà ở đã duy trì trong 2 – 3 năm qua. Vào năm 2017, có một dạo khu Đông giảm tỷ lệ cung xuống, nhưng chỉ sau một quý đã nhanh chóng trở lại vị trí dẫn đầu và mang tính chủ đạo về nguồn cung”, ông Hoàng nói.
Nguồn: DKRA
Tỷ lệ tiêu thụ cũng tương ứng với nguồn cung khi dẫn đầu là khu Đông ở mức 56%, sau đó là khu Nam và khu trung tâm.
Nguồn: DKRA
Xét theo phân khúc, căn hộ hạng B cũng có tỷ lệ tiêu thụ chiếm tỷ lớn nhất là 56%, sau đó là hạng A và hạng sang. Các phân khúc đều có tỷ lệ hấp thụ rất tốt: hạng B là 89%, hạng A 86% và hạng sang 79%. Trong khi nguồn cung giảm mạnh thì nhu cầu của thị trường đang duy trì ở mức khá cao.
Nguồn: DKRA
Đặc biệt, Giám đốc Nghiên cứu thị trường DKRA cho biết: “Trong quý I/2019 đã xuất hiện một dự án căn hộ hạng sang tại quận 1 có giá bán lên đến con số 334 triệu đồng/m2. Đây là kỷ lục mới về giá bán căn hộ tại TP HCM bởi trước đó từ 2017 – 2018 mức giá cao nhất ghi nhận là 240 – 250 triệu đồng/m2. Đến lúc nào đó, giá căn hộ hạng sang của Việt Nam sẽ tiệm cận với giá tại các khu vực như Bangkok (Thái Lan), Malaysia…”.
Ông Nguyễn Hoàng còn thông tin thêm, khi khảo sát các sàn giao dịch nhận thấy hoạt động giao dịch bất động sản trên thị trường thứ cấp đang khá tốt, có thể nguyên nhân là do nguồn cung mới suy giảm. Tuy nhiên, mức biến động giá không quá lớn so với giá bán mà chủ đầu tư đưa ra.Từ giữa năm 2018 đến hết quý I/2019, giá của chủ đầu tư đưa ra hầu như không có nhiều biến động, trong khi giai đoạn trước đó (2017 – 2018) thường sau mỗi đợt bán hàng giá bán mà chủ đầu tư đưa ra sẽ tăng thêm một chút tùy theo dự án. Đại diện DKRA đánh giá đây là tín hiệu tốt cho cả người mua nhà để ở lẫn người mua nhà để đầu tư.
Cũng tại sự kiện, chia sẻ quan điểm về cơ hội tiếp cận nhà ở của người dân TP HCM khi mà nguồn cung căn hộ hạng C ngày càng khan hiếm, ông Phạm Lâm, CEO DKRA cho rằng, người mua nhà không còn cách nào khác là phải chấp nhận đi xa.
“Tuy nhiên, nếu người dân chấp nhận mua nhà ở xa thì vấn đề giao thông kết nối phải thuận tiện, chứ đã ở xa mà đi lại không tiện thì không ai chấp nhận mua nhà. Chính các doanh nghiệp cũng muốn tham gia làm nhà hạng C vì nhu cầu của xã hội đang cực nhiều nhưng cũng e ngại vấn đề hạ tầng kết nối”, ông Phạm Lâm nhận xét.
Theo ông, muốn giải quyết vấn đề nhà ở tại đô thị cần có sự làm việc của nhiều bên liên quan như Chính phủ, doanh nghiệp… Dù Việt Nam có chính sách ưu đãi cho nhà ở xã hội nhưng doanh nghiệp vẫn ít tham gia do sự khó khăn trong việc tìm kiếm và nắm quyền phát triển quỹ đất, bán hàng. Chính phủ phải thể hiện vai trò của mình thông qua các chính sách tài trợ lãi vay, ví dụ trước đó có gói 30.000 tỉ đồng.
“Nhưng gói 30.000 tỉ đồng trước đó cũng là gói vay bất thường do thị trường địa ốc thời gian trước đang gặp khó nên cần phải kích cầu. Nếu không có chính sách tài trợ lãi suất vay mua nhà, không có chương trình đảm bảo thì với lãi suất khoảng 12%/năm, thu nhập trung bình 15 triệu đồng/tháng, người dân cũng khó mua được nhà. Vì vậy, Chính phủ phải có quỹ phát triển nhà ở dành cho người dân”, CEO DKRA nêu quan điểm.
Theo Kinh tế & Tiêu dùng