CEO DKRA: ‘Sốt đất khắp nơi, giá tăng chỉ trong một giờ đồng hồ, đang có nhiều nhà đầu cơ hơn là đầu tư’
- 08/04/2019
- cơn sốt đất, đất nền tphcm, sốt đất, sốt đất ảo, sốt đất nền
- 728
CEO DKRA: ‘Sốt đất khắp nơi, giá tăng chỉ trong một giờ đồng hồ, đang có nhiều nhà đầu cơ hơn là đầu tư’
CEO DKRA cho biết, hiện nay đang xảy ra sốt đất ở nhiều địa phương trên cả nước… Thị trường đang rất hỗn loạn, có nhiều nhà đầu cơ hơn là nhà đầu tư.
Tại buổi Báo cáo thị trường bất động sản (BĐS) nhà ở TP HCM quý I/2019 hôm nay (ngày 4/4), ông Phạm Lâm, CEO CTCP DKRA Việt Nam đặt câu hỏi: “Nếu có 1 tỉ đồng thì có thể mua BĐS ở đâu ở TP HCM?”
Nhiều ý kiến trong hội trường cùng trả lời là “Củ Chi”. Ông Lâm cũng đồng ý rằng trong tương lai đất Củ Chi sẽ nóng. Tuy nhiên, hiện nay với số tiền 1 tỉ đồng sẽ rất khó để mua được một căn hộ như ý (chưa tính thêm chi phí làm sổ đỏ).
Ông Phạm Lâm nói, hiện nay, giá đất Hóc Môn lên hơn 30 triệu/m2, đất quận 9 có nơi 40 triệu/m2, nhưng người ta cũng bảo đó là bình thường, chứng tỏ đang có sự thiết lập mặt bằng giá mới. (Ảnh: Hiếu Quân)
“Giá cả BĐS TP HCM đang rất ‘căng’ đối với việc tiếp cận nhà ở, bởi căn hộ hạng C hiện nay gần như không có dự án mới. Trước đây khoảng 2 năm, người ta còn nhắc đến các khu vực như Hóc Môn, Nhà Bè, Bình Chánh… nhưng giờ những nơi này đều có giá cao hơn rất nhiều. Như hiện nay, giá đất Hóc Môn lên hơn 30 triệu/m2, đất quận 9 có nơi 40 triệu/m2. Ta nghe thì rất sợ, nhưng người ta cũng bảo đó là bình thường, chứng tỏ đang có sự thiết lập mặt bằng giá mới. Vì giá đất TP HCM đang lên quá cao nên người dân buộc phải đi xa để mua nhà phù hợp với khả năng tài chính của mình”, ông Phạm Lâm phân tích.
Không chỉ TP HCM, mà các thị trưởng tỉnh khác như Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hòa, Phú Quốc… thời gian gần đây cũng sôi sục vì đất đai.
“Tôi ra khu Tây Bắc – Đà Nẵng thấy chỉ có 1 dự án mà làm điên đảo thị trường, giá đất gần đó tăng từ 20 – 22 triệu đồng/m2 lên 30 – 33 triệu/m2, khi giá quá cao người ta bắt đầu sợ và có sự dè chừng. Tôi ra Đà Nẵng 2 lần, lần 1 thấy người người, nhà nhà đi buôn đất, xe cộ tấp nập. Nhưng cách đây 20 ngày tôi trở lại thấy giảm đáng kể về lượng xe và môi giới”, CEO DKRA nêu ví dụ về câu chuyện sốt đất Đà Nẵng trong những ngày gần đây.
Ngoài ra, ông còn nhắc đến nhiều thị trường tỉnh khác cũng đang rất thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư. Trong đó, Khánh Hòa có thành phố Nha Trang phát triển du lịch, có Bắc Vân Phong được xem xét thành lập đặc khu, có nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư các dự án quy mô ở Bãi Dài, Cam Ranh… nên giá đất ổn định, hút nhiều nhà đầu tư quan tâm. Bình Thuận cũng được nhắc đến nhiều trong thời gian gần đây, với lợi thế đường bờ biển kéo dài hơn 100 km, thị trường này đang phát triển tập trung ở Mũi Né, Phan Thiết và Thuận Tiến.
“Thông tin về sân bay Phan Thiết khiến thị trường địa ốc tại đây nóng lên hẳn. Tuần rồi mà ra Phan Thiết thì sẽ thấy con đường dẫn đi sân bay kẹt xe kéo dài, tình trạng này diễn ra trong ngày thường, đặc biệt xe biển Sài Gòn rất nhiều. Nhiều người đầu cơ đất, mua đến vài ngàn m2, môi giới cũng tập trung về đây khiến thị trường hỗn loạn”, ông Phạm Lâm cho biết.
Ông còn thông tin, ở Long An có những khu vực cách đây 2 năm giá đất chỉ 4 triệu đồng/m2, nhưng nay đã lên đến mức 18 triệu đồng/m2. Một khu khác gần Sài Gòn là Nhơn Trạch đang có giá đất cao nhất khoảng 28 triệu đồng/m2, những nơi giá thấp nhất (chỉ có sổ đỏ, chưa có hạ tầng) cũng 7 triệu đồng/m2.
Dù giá cao là vậy nhưng khách vẫn mua bởi họ kỳ vọng vào tương lai kết nối hạ tầng của những khu vực này.
DKRA chỉ ra một số đặc điểm của những khu vực đã và đang hình thành sốt đất.
Ông Lâm nhấn mạnh: “Nếu thích thì phải mua đất liền, chứ nếu để qua nửa ngày, thậm chí chỉ để 1 giờ, là giá có thể tăng thêm bởi thị trường đang rất hỗn loạn, đang có nhiều nhà đầu cơ hơn là nhà đầu tư. 1h chiều, tôi đi phòng công chứng trên đường Nguyễn Xuân Hợp (quận 9) mà có đến hơn 20 khách chờ… Giờ người ta không gọi “TP HCM” nữa, mà gọi là “vùng TP HCM”, bao gồm TP HCM và các tỉnh Bình Dương, Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu… với giao thông kết nối thuận tiện hơn”.
Nguyên nhân của việc đầu tư ồ ạt vào đất nền này, theo ông Lâm là do “tâm lý người Việt thích sở hữu đất, dù ở xa trung tâm nhưng có sổ đỏ là được. Cảm giác người Việt Nam rất ‘cuồng’ BĐS, đầu tư lĩnh vực gì rồi khi có lãi họ cũng sẽ quay lại BĐS”.
Tuy nhiên, lãnh đạo DKRA không đồng tình với quan điểm đầu tư “càng rủi ro, càng lãi lớn” hay “được ăn cả, ngã về không” của nhiều người. Ông cho rằng, khi đầu tư địa ốc trước tiên phải cân nhắc chuyện “có an toàn không? Có mất vốn không?”, sau đó mới là “liệu sẽ lãi được bao nhiêu?”. Khi thị trường đang nóng sốt như hiện nay, nhà đầu tư càng phải bình tĩnh hơn lúc nào hết.
Theo Kinh tế & Tiêu dùng